Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Ngày 15/5, tại trường THCS Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Tây), GS Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ khởi xướng lễ phát động xây dựng "Trường học thân thiện" trong toàn quốc.


 Tất cả các trường Tiểu học và THCS trên toàn quốc sẽ từng bước tham gia cuộc vận động xây dựng “Trường học thân thiện”.
Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT và nhiều chuyên gia đây sẽ là một trong những giải pháp có tính bền vững giúp ngăn chặn tình trạng HS bỏ học bởi sự thành công của mô hình sẽ tác động sâu sắc vào tình cảm của HS đối với nhà trường, đối với việc đi học...


Xây dựng môi trường giáo dục tạo hứng thú cho HS
Trường học thân thiện là một mô hình trường học do UNICEF đề xướng, xây dựng và triển khai từ vài thập kỷ nay ở nhiều nước trên thế giới và đã thu được những kết quả tốt đẹp. Ở Việt Nam, mô hình này đã được xây dựng ở các trường tiểu học nhưng dưới tên gọi “trường học bạn hữu trẻ em”.
Ở cấp THCS, Vụ GD Trung học (Bộ GD&ĐT) cũng đã phối hợp với UNICEF tổ chức thí điểm xây dựng mô hình trường học thân thiện tại 50 trường học.
Năm 2008, Bộ GD&ĐT đã quyết định tiến hành mở rộng mô hình này ở cấp tiểu học và THCS. Bộ sẽ hỗ trợ trực tiếp cho khoảng trên 200 trường học để các địa phương nhân rộng dần.
Vụ Tiểu học, Vụ GD Trung học, Vụ Công tác HSSV, Dự án Phát triển giáo dục THCS II… là những đơn vị được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phối hợp chỉ đạo thí điểm mô hình này.
Mục đích chủ yếu và ý nghĩa quan trọng nhất của việc xây dựng trường học thân thiện nhằm tạo nên một môi trường giáo dục (cả về vật chất lẫn tinh thần) an toàn, bình đẳng, tạo hứng thú cho HS trong học tập, góp phần đảm bảo quyền được đi học và học hết cấp của HS; nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở tập trung mọi nỗ lực của nhà trường vì người học, với các mối quan tâm thể hiện thái độ thân thiện và tinh thần dân chủ.
Học sinh được hướng dẫn chơi các trò chơi dân gian, các hoạt động tập thể vui mà học được tổ chức tốt trong dịp nghỉ hè và trong các năm học. Học sinh được vui với những bài hát dân ca, điệu múa truyền thống và những ca khúc mới phù hợp với lứa tuổi. Các em tham gia chăm sóc các công trình văn hóa lịch sử của đất nước có trên mỗi địa bàn.
Theo nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước, trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc nỗ lực đảm bảo một tỉ lệ tương đối cao trẻ em trong độ tuổi được đi học. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng còn chưa được chú trọng đúng mức và điều này đe dọa tới tính bền vững của những thành tựu đó.
PGS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục nói: “Việc triển khai xây dựng mô hình trường học là một nhu cầu tự thân có tính tất yếu của chính hệ thống giáo dục.
Bộ GD&ĐT phát động xây dựng mô hình này bởi đã đến lúc thực tế đòi hỏi hoạt động giáo dục trong các nhà trường phải mang tính hiệu quả cao hơn”.


Giúp HS nhận biết giá trị của bản thân và văn hóa truyền thống
Theo PGS TS Nguyễn Công Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng GD & Khảo thí, ĐH Sư phạm Hà Nội thì “sản phẩm” của trường học thân thiện là những điều chúng ta đang rất cần ở thế hệ trẻ: độc lập, tự tin, có khả năng suy nghĩ và đặc biệt có khả năng học hỏi suốt đời.
Trong môi trường trường học thân thiện, trẻ sẽ cảm thấy sự thoải mái khi việc học của trẻ không chỉ gắn với những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn được học thông qua các trò chơi, qua sự trải nghiệm của chính các em khi tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Với chủ trương khuyến khích xây dựng mô hình trường học thân thiện vừa đạt được các tiêu chí quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội Việt Nam, lãnh đạo Bộ GD&ĐT mong muốn đây là một cơ hội để HS được tiếp cận nhiều hơn các trò chơi dân gian, các sinh hoạt văn hoá truyền thống của địa phương.
Việc lựa chọn nơi tổ chức lễ phát động xây dựng mô hình trường học thân thiện là chủ ý của các đơn vị tổ chức theo yêu cầu, mong muốn này của ngành GD&ĐT.
TS Trần Đình Châu, Giám đốc Dự án Phát triển giáo dục THCS II nói: “Trường THCS Vạn Phúc được đóng trên một làng nghề nổi tiếng cả nước - làng Vạn Phúc quê lụa.
Không những thế, đây còn là địa danh lịch sử cách mạng (nơi Bác Hồ đã viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946).
Ngoài ra, ngày 15/5 là một ngày có ý nghĩa đối với các em HS bởi đây là ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong HCM.
Không chỉ giáo dục các em nhận thức được giá trị của bản thân mình mà còn muốn các em biết quý trọng các giá trị văn hoá truyền thống, đó là mục tiêu quan trọng mà các trường học phải hướng tới, đặc biệt khi Việt Nam đã gia nhập WTO”.
Trong quá trình hoàn thiện mô hình trường học thân thiện, Bộ GD&ĐT sẽ mời các chuyên gia xây dựng các chương trình trò chơi dân gian, các giáo trình về tổ chức hoạt động ngoại khóa tìm hiểu văn hóa truyền thống... để đưa vào phổ biến trong các trường THCS. PGS TS Nguyễn Công Khanh nói:
“Trong trường học thân thiện, HS sẽ biết kết hợp học và chơi, chơi để học. Các GV dùng các quy tắc của trò chơi nói chung cũng như trò chơi dân gian để khơi gợi bản sắc văn hóa truyền thống, giúp trẻ định hình các giá trị: biết tôn trọng bản thân, biết tôn trọng người khác, có khả năng hợp tác với người khác.
Khi có xung đột thì biết sử dụng các kỹ năng: giải quyết vấn đề, thương lượng, thuyết phục... để đạt hiệu quả”.

( Theo Tiền phong ) 


Chưa có lời bình nào. Bắt đầu